Tờ Daily Beast (Mỹ) đăng bài viết có tiêu đề “Tàu ngầm tàng hình tương lai có thể “nhấn chìm” Hải quân Mỹ”, nhận định về mối đe dọa ngày càng lớn của công nghệ tàu ngầm tàng hình đối với Hải quân Mỹ.
Dưới đây là nội dung bài viết của tờ Daily Beast:
Mỹ đang phải dựa vào những công nghệ săn tàu ngầm có từ hàng thập kỷ trước. Trong khi đó, những mục tiêu của họ ngày càng tinh vi, yên lặng và khó bị phát hiện hơn.
Xu hướng này đang đe dọa ưu thế của hải quân Mỹ cùng đội săn ngầm đang có dấu hiệu lạc hậu của họ. Lợi thế so sánh giữa tàu chiến mặt nước và tàu ngầm có tầm ảnh hưởng chiến lược. Tàu ngầm không có vai trò để biểu dương lực lượng. Không chỉ đơn thuần là gây hư hại, tàu ngầm còn được thiết kế để đánh chìm tàu chiến một cách nhanh chóng và với thiệt hại nhân mạng cao. Vì vậy tàu ngầm có thể thay đổi cán cân cuộc chiến, hoặc chuyển cục diện chiến tranh sang một tầm mức cao hơn, ác liệt hơn.
Để ngăn ngừa nguy cơ này, cần một hệ thống phòng vệ và săn ngầm hiệu quả. Tuy nhiên đây lại là một lĩnh vực rất ít được đem ra thảo luận, mặc dù có vẻ như gần đây đang có sự mất cân bằng giữa công nghệ tàu ngầm và công nghệ chống tàu ngầm.
Những tàu ngầm diesel-điện hiện đại rất khó bị phát hiện, đặc biệt nếu được trang bị công nghệ đẩy không khí độc lập AIP. Các tàu ngầm AIP không hẳn là có độ ồn thấp hơn nhiều so với tàu ngầm thông thường, nhưng chúng khắc phục được phần nào những điểm yếu chính của tàu ngầm diesel-điện: hạn chế về tốc độ và thời gian hoạt động khi đang ở chế độ chạy điện.
Vì vậy khi hải quân Mỹ thuê một tàu ngầm AIP lớp Gotland của Thụy Điển cho công tác huấn luyện chống tàu ngầm trong khoảng từ 2005 – 2007, những tàu chiến mặt nước của họ thường xuyên bị tàu ngầm này chụp hình lại. Nó rất yên lặng và có thể áp sát các tàu chiến Mỹ trong tầm ngư lôi không quá khó khăn.
Tàu ngầm AIP giờ đây đang là ưu tiên cao trong danh sách đầu tư mua sắm của những nước như Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản. Nga đang gặp nhiều vấn đề với chương trình tàu ngầm Lada của mình, nhưng vẫn đang nỗ lực để bán cho Trung Quốc.
Tàu ngầm lớp Lada của Nga
Tàu ngầm AIP có thể dùng oxy lỏng để đốt cháy nhiêu liệu khi không có nguồn nạp khí từ bên ngoài, hoặc dùng công nghệ pin nhiêu liệu, hiện là hướng đi chính của Nga và Đức. Việc dùng pin Lithium thay cho ắc quy truyền thống càng giúp tăng thời gian hoạt động của tàu. Kockums hiện đang giới thiệu hướng phát triển mới của mình, gọi là tàng hình toàn diện, tương tự như của các máy bay tàng hình, bao gồm việc thiết kế hình dạng và lớp vật liệu bên ngoài để giảm tín hiệu sonar có thể bị phản xạ lại.
Ngoài ra, còn có một số công nghệ mới khác có thể làm tăng hiệu quả chiến đấu của tàu ngầm. Kính tiềm vọng được thay thế bằng camera kỹ thuật số độ phân giải cao, có thể thu lại toàn cảnh 360 độ với chỉ một lần quét. Một số hãng, như và Atlas Electronik, đang giới thiệu những loại ngư lôi chạy điện hoàn toàn, kết hợp nhiều chế độ dẫn đường khác nhau, như dẫn bắn từ tàu ngầm thông qua sợi cáp quang và tự dẫn bằng sóng xung động từ tàu mục tiêu.
Tác chiến chống tàu ngầm vẫn tiếp tục được phát triển nhưng dường như đang thiếu hướng đi rõ ràng. Sự kết thúc của Chiến tranh lạnh đã khiến nhiều chương trình vũ khí chống tàu ngầm bị đình trệ, như chương trình cải tiến và thay thế máy bay săn ngầm P-3 và S-3 Viking của Mỹ. Hải quân Anh gần đây cũng cho ngừng hoạt động máy bay săn ngầm Nimrod và hủy chương trình phát triển máy bay săn ngầm mới MRA4. Phương tiện và nhân lực dùng cho tác chiến chống tàu ngầm được chuyển sang nhiệm vụ trinh sát trên bộ và vùng duyên hải. P-8A Poseidon, loại máy bay thay thế cho P-3, cũng chủ yếu tập trung vào vai trò tuần tra hàng hải tầm xa. Ý định của hải quân Mỹ là nhanh chóng thay thế số máy bay P-3 đã có tuổi đời khá lâu, sau đó sẽ bổ sung các công nghệ săn ngầm mới cho P-8A sau.
Hải quân Mỹ đang theo đuổi 2 công nghệ mới để chống tàu ngầm là sonar chủ động đa thành phần và phát hiện tiềm vọng kính tự động bằng radar. Hiện nay, các máy bay săn ngầm chủ yếu hoạt động bằng cách thả các phao nổi có chứa cảm biến âm thanh thụ động. Sonar chủ động đa thành phần dùng một hay nhiều nguồn phát âm thanh, âm phản xạ từ mục tiêu sẽ được một hoặc nhiều cảm biến khác nhận và xử lý. Các thế hệ P-8 tiếp theo dự kiến sẽ được trang bị công nghệ này, theo đó trong số những phao nổi được thả xuống sẽ có 1 số là nguồn phát và 1 số là nguồn thu. Dựa vào việc phân tích những tín hiệu âm thanh phản xạ lại từ mục tiêu, máy bay có thể xác định vị trí tàu ngầm. Tuy vậy, việc phân biệt mục tiêu thật, mục tiêu giả vẫn phụ thuộc vào người vận hành. Những phao nổi này chắc chắn sẽ phức tạp và đắt tiền hơn loại hiện nay. Hệ thống này hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Cải thiện khả năng dùng radar để phát hiện tiềm vọng kính, có bề mặt phản xạ radar chỉ tương đương một lon nước ngọt, đã được bắt đầu từ đầu những năm 1990. Được gọi là ARPDD, viết tắt của hệ thống radar tự động phát hiện và phân biệt tiềm vọng kính, nó ban đầu được dự tính trang bị trên P-3. Nhưng sau khi có kết quả từ những cuộc diễn tập với Gotland, phòng vệ tầm gần được ưu tiên hơn. Do đó ARPDD được trang bị trên những trực thăng MH-60R và trên tàu sân bay. Gần đây ARPDD bắt đầu được trang bị cho các tàu chiến mặt nước khác, và cũng sẽ được trang bị trên P-8 thế hệ sau.
Điểm mấu chốt trong hệ thống ARPDD là các thuật toán để phân biệt một tiềm vọng kính đang di chuyển có chủ đích và một mảnh vụn đang trôi nổi. Tuy nhiên với việc sử dụng camera kỹ thuật số thay cho kính quang học truyền thống, tàu ngầm chỉ cần triển khai kính tiềm vọng trong thời gian rất ngắn, gây khó khăn cho máy tính trong việc xác định đó có phải là mục tiêu hay không.
Nếu nguy cơ từ tàu ngầm không thể được chế ngự thì khả năng tác chiến của các tàu chiến mặt nước chắc chắn sẽ bị hạn chế rất đáng kể, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều tàu ngầm AIP đi vào hoạt động.
Ngồn: Nguyentandung.org